Giảm thuế GTGT từ 10% xuống 8%, doanh nghiệp cần làm gì?

Nghị định 44/2023/NĐ-CP về việc giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 01/7/2023. Vậy khi triển khai giảm thuế GTGT từ 10% xuống 8%, doanh nghiệp cần làm gì để có thể kịp thời áp dụng đúng quy định? dayketoantonghop.com hướng dẫn chi tiết trong bài viết dưới đây.t

1. Xác định đối tượng, mức giảm và thời gian giảm thuế GTGT

Tại Nghị định 44/2023/NĐ-CP có quy định về đối tượng, mức giảm và thời gian giảm thuế GTGT như sau:

Đối tượng: 

Theo quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị định 44/2023/NĐ-CP, việc thực hiện giảm thuế GTGT sẽ được áp dụng giảm thuế GTGT đối với những nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% (trừ những nhóm hàng hóa, dịch vụ được được nêu trong Phụ lục I, II, III ban hành kèm).

Cụ thể, những nhóm hàng hóa, dịch vụ không được áp dụng giảm thuế bao gồm:

  • Viễn thông, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại và sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hoá chất. Thông tin chi tiết tại phụ lục I
  • Sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Thông tin chi tiết tại phụ lục II
  • Công nghệ thông tin theo pháp luật về công nghệ thông tin. Thông tin chi tiết tại phụ lục III

Xem thông tin chi tiết phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 44/2023/NĐ-CP tại:

PHỤ LỤC I,II,III BAN HÀNH KÈM THEO NGHỊ ĐỊNH 44/2023/NĐ-CP

Lưu ý: 

  • Áp dụng giảm thuế thống nhất tại các khâu nhập khẩu, sản xuất, gia công, kinh doanh thương mại. Riêng đối với mặt hàng than thì chỉ áp dụng đối với khâu khai thác bán ra (bao gồm cả than khai thác sau đó qua sàng tuyển, phân loại theo quy trình khép kín mới bán ra), các khâu khác không được giảm thuế.
  • Đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế VAT/chịu thuế VAT 0%, 5% thì không áp dụng giảm thuế GTGT.

Mức giảm thuế GTGT

Theo quy định tại khoản 2, Điều 1 Nghị định 44/2023/NĐ-CP, tùy vào phương thức tính thuế GTGT mà mức giảm thuế được quy định như sau:

  • Đối với đơn vị, cơ sở kinh doanh áp dụng tính thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ: Áp dụng giảm 2% đối với nhóm hàng hóa, dịch vụ áp dụng mức thuế 10% (trừ một số nhóm hàng hóa được nêu chi tiết tại mục …..)
  • Đối với đơn vị, cơ sở kinh doanh áp dụng tính thuế GTGT theo phương pháp tỷ lệ % trên doanh thu: Áp dụng giảm 20% mức tỷ lệ % để tính thuế GTGT đối với hàng hóa thuộc đối tượng được giảm thuế 

Thời hạn:

Theo quy định tại Điều 2 Nghị định 44/2023/NĐ-CP, lộ trình áp dụng giảm thuế GTGT sẽ được áp dụng từ ngày 01/07/2023 đến hết 31/12/2023.

2. Tra cứu và đối chiếu hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế GTGT theo Nghị định 44/2023/NĐ-CP

Để đối chiếu thông tin giảm thuế GTGT, doanh nghiệp cần biết được mã hàng hóa, dịch vụ hoặc mã HS đối với hàng hóa nhập khẩu. Cách thực hiện như sau:

Bước 1: Liệt kê các nhóm mã sản phẩm hàng hóa, dịch vụ mà thực tế doanh nghiệp đang sản xuất/kinh doanh

Bước 2: Thực hiện tra cứu tìm mã hàng hóa, dịch vụ

Doanh nghiệp thực hiện tra cứu mã ngành hàng hóa tương ứng với tên các sản phẩm, dịch vụ mà đơn vị đang cần xuất hóa đơn theo Danh mục hệ thống ngành kinh tế Việt Nam (Ban hành kèm theo Quyết định số 43/2018/QĐ-TTg) theo 1 trong 2 cách sau:

  • Tra cứu thông qua Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

* Đối với Tra cứu thông qua Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp

Doanh nghiệp truy cập đường link sau: https://dangkykinhdoanh.gov.vn/vn/Pages/NganhNghe.aspx

Sau đó, doanh nghiệp thực hiện nhập thông tin về từng loại hình ngành nghề đang cần tra cứu

Dựa trên mã ngành nghề tra cứu, doanh nghiệp tiếp tục tra cứu theo cú pháp “Ctrl + F” để ra được mã sản phẩm, dịch vụ cần tìm

Bước 3: Tra cứu xem hàng hóa, dịch vụ có được giảm thuế GTGT hay không

Dựa trên mã của tất cả hàng hóa, dịch vụ đã tra cứu được, doanh nghiệp thực hiện đối chiếu với phụ lục I, II, III tại Nghị định 44 để xem có thuộc sản phẩm được giảm thuế hay không.

  • Nếu sản phẩm không nằm trong 1 trong 3 phụ lục trên ⇒ Được giảm thuế GTGT từ 10% xuống còn 8%.
  • Nếu sản phẩm  nằm trong 1 trong 3 phụ lục trên ⇒ Không được giảm thuế GTGT từ 10% xuống còn 8%.

Lưu ý: 

  • Việc giảm thuế GTGT cho từng loại hàng hóa, dịch vụ sẽ được áp dụng thống nhất tại các khâu nhập khẩu, sản xuất, gia công, kinh doanh thương mại.
  • Đối với mặt hàng than, chỉ giảm thuế GTGT đối với mặt hàng than khai thác bán ra (đối với cả trường hợp than khai thác sau đó sàng tuyển, phân loại theo quy trình khép kín mới bán ra), các khâu khác không được giảm thuế GTGT.

3. Thực hiện kê khai các mặt hàng, dịch vụ được giảm thuế theo Mẫu 01

Theo quy định tại khoản 6 Điều 1 của Nghị định 44/2023/NĐ-CP, doanh nghiệp nếu có sản phẩm thuộc đối tượng được giảm thuế GTGT thì phải thực hiện kê khai các hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế GTGT theo Mẫu số 01 tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định này cùng với Tờ khai thuế GTGT.

Tải ngay mẫu 01 tại đây:

MẪU 01 – MẪU KÊ KHAI HÀNG HÓA GIẢM THUẾ GTGT 2% THEO NGHỊ ĐỊNH 44/2023

4. Kiểm tra kỹ mức thuế suất GTGT khi xuất hóa đơn và lấy hóa đơn đầu vào

Doanh nghiệp khi xuất hóa đơn hay lấy hóa đơn GTGT đầu vào cần đặc biệt lưu tâm và thực hiện kiểm tra mức thuế suất GTGT trên từng hóa đơn nhằm tránh tình trạng sai sót.

Trong trường hợp doanh nghiệp sản xuất/kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc diện được giảm thuế GTGT từ 10% còn 8% nhưng vẫn xuất hóa đơn theo mức thuế suất chưa giảm thì cần phải xử lý hóa đơn đã lập theo quy định về hóa đơn, chứng từ (theo quy định tại khoản 5 Điều 1 Nghị định số 15/2022/NĐ-CP). Sau đó, lập hóa đơn thay thế cho hóa đơn sai sót.

5. Kê khai rõ thuế suất của từng loại hàng hóa dịch vụ

Tại khoản 4 Điều 1 Nghị định 44/2023/NĐ-CP có quy định như sau:

  • Trường hợp cơ sở kinh doanh tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ thì khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ áp dụng các mức thuế suất khác nhau thì trên hóa đơn giá trị gia tăng phải ghi rõ thuế suất của từng hàng hóa, dịch vụ.
  • Trường hợp cơ sở kinh doanh tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp tỷ lệ % trên doanh thu khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ thì trên hóa đơn bán hàng phải ghi rõ số tiền được giảm.

Như vậy, doanh nghiệp không phải xuất hóa đơn riêng theo từng loại thuế suất mà có thể xuất cùng 01 hóa đơn cho nhiều loại hàng hóa, dịch vụ. Tuy nhiên, doanh nghiệp cần ghi rõ loại thuế suất của từng loại hàng hóa, dịch vụ tương ứng.